
Họa sĩ Phan Kế An sinh ngày 20/3/1923, quê ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Bố ông là Khâm sai đại thần Phan Kế Toại từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Sinh ra trong nhung lụa, công tử Kế An vẫn đồng cảm với những người yếu thế. Theo báo Bắc Ninh, thiếu gia Hà thành từng cùng với anh Nguyễn Ngọc Hoàn, cán bộ Việt Minh ở Sơn Tây, nhiều lần mò vào trại lính Nhật ở Tông (chùa Thông ở Sơn Lộc), lấy trộm súng đạn để chuyển ra cho tổ chức Việt Minh. Cha ông - lúc đó là Khâm sai đại thần Phan Kế Toại - đã ủng hộ con trai và từ đó, tư dinh của gia đình thường xuyên trở thành nơi cất giấu vũ khí Việt Minh.
Ông ham đi, ham vẽ và luôn nhận được sự quí mến của những người xung quanh.
"Cụ có đôi mắt sáng, trí nhớ rất tuyệt vời," nhiều người hâm mộ nhớ về họa sĩ Phan Kế An như vậy: "Cụ hiền hậu, tinh tế và rất khoáng đạt. Khi tuổi đã trên 90, tim đã đặt vài stent, chiều chiều vẫn đều đặn gọi xe ôm lên tận CLB Ba Đình để "nhậu".
Họa sĩ Phan Kế An là một trong rất ít người còn lại của thế hệ học mỹ thuật bài bản tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux- Arts de l’Indochine), nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - 42 phố Yết Kiêu, Hà Nội. Với tài năng được công nhận, ông may mắn là họa sĩ đầu tiên vẽ ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc và sau đó, có khoảng 20 tác phẩm về Người. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn sáng tác để bán cho các nhà sưu tập tranh.

Ngoài ra, nhắc đến người nghệ sĩ mê sáng tác trên chất liệu sơn mài và sơn dầu, giới yêu tranh thường nói về bức “Nhớ một chiều Tây Bắc”. Từ vẻ đẹp kỳ ảo trong tranh, nhà thơ Đoàn Việt Bắc sáng tác thơ:
Chiều Tây Bắc trong veo ngà ngọc
Trời như cầm được trên bàn tay
Người lính già trầm tư nỗi nhớ
Anh thả chiều vào tranh.
Thả chiều vào tranh…
Sau đó, nhạc sĩ Vũ Thanh phổ nhạc cho ca khúc “Nhớ một chiều Tây Bắc”.
Tuy say thiên nhiên là vậy nhưng ông lại giỏi biếm họa. Sáng tác của Phan Kế An được ưa chuộng trên báo chí cách mạng thời đó. Báo Sự thật, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân... luôn đặt ông sáng tác với bút danh Phan Kích.
Lễ viếng họa sĩ được tổ chức vào hồi 7h30 đến 8h45 ngày 25/1 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.