
Vào thời Pháp thuộc phố Lãn Ông mang tên là phố Phúc Kiến (Rue des Phokiens), bởi ở đây tập trung nhiều người Hoa đến từ Phúc Kiến. Từ sau năm 1947 đến nay, phố này được gọi là phố Lãn Ông.

Quy hoạch mặt bằng của di tích bao gồm: Tam quan, sân, phương đình, hậu cung, khu học hiệu nằm phía sau và hai bên kiến trúc chính. Tam quan là một nếp nhà ngang 3 gian, xây gạch kiểu đầu hồi bít đốc với các bộ vì gỗ kiểu chồng rường hai hàng chân.





Phía bên trái và phải tam quan có một số tranh đá vẽ đề tài phong cảnh gắn trên tường. Diềm lá tàu được chia thành những ô trang trí: ô thì khắc thơ, ô thì họa phong cảnh, có ô lại là hình hoa lá… Qua một khoảng sân rộng là tới phương đình. Nếp nhà này được xây dựng với mục đích dùng làm nơi hội họp của bản phố.

Hội quán được dựng lên để thờ Thiên Hậu – một trong những vị thần quan trọng thần điện của người Trung Quốc. Thiên Hậu cũng gọi là Thiên Thượng thánh mẫu, việc thờ phụng nữ thần này có nguồn gốc từ Phúc Kiến vào cuối thế kỷ XI và lan đi khắp Trung Quốc trong thế kỷ sau đó.

Phía mặt sau tam quan là trường dành cho con em người Hoa gốc Phúc Kiến sống ở Hà Nội. Sau này, Hội quán được trưng dụng để làm Trường tiểu học Hồng Hà, nhưng trường nay được chuyển sang ngay bên cạnh và Hội quán sẽ được bảo tồn như một di tích văn hóa, nơi vẫn giữ được những dấu tích lịch sử đáng nhớ.
(Tổng hợp)