
Được đưa vào hoạt động thử nghiệm từ ngày 30/4, đến nay tổ hợp các bể nuôi sinh vật biển cỡ lớn thuộc khu trưng bày Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa (Viện Hải dương học Nha Trang) thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan.
Đường hầm xuyên qua núi Cảnh Long có chiều dài 120m, chiều rộng 8-12m, cao 5m do người Pháp xây dựng vào những năm 1930 để vận chuyển hàng hóa từ cảng biển Nha Trang sang núi Cảnh Long. Công trình đã được làm cách đây gần 100 năm nên khá thấp và hẹp.

Sau khi được Viện Hải dương học cải tạo, thiết kế với tổ hợp các bể nuôi cỡ lớn, công nghệ và thiết bị hiện đại đã khắc hoạ sự phong phú, đa dạng và vẻ đẹp thế giới sinh vật biển của các hệ sinh thái đáy đặc trưng cho biển đảo Việt Nam nói chung và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng.

Tổ hợp các bể nuôi sinh vật biển cỡ lớn thuộc khu trưng bày Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa, có diện tích 5.000 m2, bao gồm tổ hợp bể nuôi sinh vật biển với hơn 300 loài (các loại Rùa biển, cá Mập, cá Đuối, cá Chình, cá Mú, san hô sống với các loại cá cảnh biển, tôm Hùm…
Với chủ đề "Sức sống đại dương", tổ hợp các hồ nuôi cỡ lớn, gồm: hồ trụ acrylic, hồ cá rạn san hô, hồ mô phỏng rạn san hô vòng, hồ san hô mềm,...

Bể trụ Acrylic có chiều cao 4,3m, đường kính 3m, thể tích nuôi 30m3. Bên trong, đàn cá tai tượng thuộc giống Platax kích thước lớn bơi theo đàn trong dòng chảy vòng tròn chuyển tiếp.
Đặc biệt nhất là hồ vòm thủy cung có với chiều dài 25m, được trang bị công nghệ hiện đại thể hiện sự phong phú, đa dạng và vẻ đẹp thế giới sinh vật biển của các hệ sinh thái đáy đặc trưng cho biển đảo Việt Nam, đã thu hút đông đảo du khách chơi lễ đến thưởng ngoạn.

Bể nuôi san hô mềm đang trong quá trình hoàn thiện. Có bốn bể nuôi được được lắp đặt bằng kính cường lực nhập ngoại. Trong đó, 2 bể áp tường 98m3 và 55m3, 1 bể bán nguyệt 15m3 và 1 bể vòm 165m3.

Theo ông Trương Sĩ Hải Trình - trưởng phòng truyền thông và giáo dục môi trường - Viện Hải dương học, tiền thân nơi này là đường hầm xuyên qua núi Cảnh Long (khu vực dinh Bảo Đại) có chiều dài 120m, chiều rộng 8-12m và độ cao 5m, do người Pháp xây dựng vào những năm 1930, để vận chuyển hàng hóa từ cảng biển Nha Trang sang núi Cảnh Long.
"Từ năm 2010, đường hầm được cải tạo, đến dịp này mới đưa vào sử dụng với mục đích trưng bày giới thiệu những ứng dụng khoa học công nghệ nuôi sinh vật biển của viện cũng như sự phong phú về tài nguyên biển ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", ông Trình thông tin.

Du khách đến Viện Hải dương học có dịp trải nghiệm cảnh thợ lặn xuống dưới các bể kính biểu diễn cùng các loài cá. Những người này phần lớn là các kỹ thuật viên tại viện, đảm nhận luôn công việc nghiên cứu, theo dõi các loài sinh vật tại bể.

Theo Viện Hải dương học, việc ra mắt “Hồ vòm thuỷ cung” là một cách để du khách, nhất là các em nhỏ có cơ hội được tận mắt thấy các sinh vật biển quý hiếm trên biển Đông. Đây cũng là cách giáo dục về biển đảo một cách sinh động, thực tế; giúp các em nuôi dưỡng tình yêu với biển.
(Tổng hợp)